Hành trang Be Bold

Tiềm năng nào cho Gen Z trong lĩnh vực thiết kế bao bì? – Anh Bình Phan tại hội thảo “Quyền năng của bao bì cộng hưởng từ marketing và thiết kế”

boldcreativelab . 10/10/2023

Ngày 16/09 vừa qua, anh Bình Phan đã có buổi trò chuyện tại hội thảo “QUYỀN NĂNG CỦA BAO BÌ CỘNG HƯỞNG TỪ MARKETING VÀ THIẾT KẾ” do đơn vị SCG Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh việc chia sẻ chuyên môn cực kỳ thú vị về sức mạnh của bao bì, khám phá các kiến thức về câu chuyện thương hiệu, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trong các thiết kế, anh Bình cũng đồng thời giải đáp những vướng mắc của các bạn trẻ khi dấn thân vào ngành thiết kế.

Cùng Bold nhìn lại những chia sẻ của anh Bình trong buổi nói chuyện vừa qua nhé!!

1. Trên cương vị là một Creative Director với nhiều năm kinh nghiệm anh đánh giá như thế nào về tiềm năng của thế hệ Gen Z đối với lĩnh vực thiết kế bao bì?

Đối với câu hỏi này, anh sẽ tách ra làm 2 phần để giải đáp, đó là tư duy và tiềm năng.

Về tiềm năng, Gen Z có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực thiết kế nói chung và thiết kế bao bì nói riêng. Các bạn được sinh ra trong một thế hệ digital, nhận được rất nhiều phương tiện hỗ trợ về khoa học và kỹ thuật, việc tiếp xúc với các thiết bị vi tính, máy tính bảng, điện thoại từ sớm đã giúp các bạn có nhiều cơ hội để phát triển bản thân ngay khi còn trẻ. 

Bên cạnh đó, Gen Z cũng có rất nhiều nền tảng xã hội Facebook, Tiktok, Instagram cũng như các công cụ thiết kế khác giúp các bạn va chạm, hòa mình và tiếp cận với thiết kế, các câu chuyện về văn hóa, lối sống trên thế giới để làm giàu vốn sống của mình.

Đó là một tiềm năng lớn, cho các bạn nền tảng tuyệt vời để dễ dàng phát triển trong ngành thiết kế.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc và làm việc với các bạn Gen Z trẻ, có một số điểm mà anh thấy các bạn vẫn còn khá hạn chế. Đó là những thiếu sót về mặt tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện. Lấy một ví dụ đơn giản trong ngành thiết kế bao bì, trước khi bắt tay vào thiết kế, các bạn cần phải đặt ra những câu hỏi phản biện rằng thiết kế bao bì này để làm gì? Ai là người dùng hướng đến của bao bì đó? Ai là người mua? Trong một số trường hợp, người mua không phải là người dùng. Ví dụ như người mẹ là người mua tã nhưng đứa trẻ mới là người dùng. Mỗi đối tượng khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau cần phải phân tích. Câu chuyện về đặc thù của mỗi ngành hàng khác nhau như thế nào về mặt cấu trúc, thiết kế, art, tone and mood như thế nào.

Bên cạnh đó, với mật độ tiếp cận nội dung trên các kênh thông tin khá dày, và cũng một phần do tốc độ phát triển của nội dung trên các nền tảng khá nhanh đã phần nào khiến cho tư duy sáng tạo của nhiều bạn Gen Z bị hao mòn. Anh nhận thấy có không ít bạn bắt chước, sao chép lại các thiết kế cũ của người khác để bắt kịp nhịp phát triển truyền thông mà thiếu đi tư duy sáng tạo để tạo ra những thiết kế đầu tư chất xám, thể hiện dấu ấn thương hiệu, dấu ấn của nhà thiết kế. Đó cũng là điều anh thấy rất tiếc ở các bạn Gen Z hiện nay.

2. Theo anh các bạn trẻ cần làm gì để có thể trau dồi và phát huy bản thân trong lĩnh vực này, từ đó rộng mở con đường làm việc của bản thân?

Trước mắt, các bạn cần phải xác định rằng công việc thiết kế nói chung hay bao bì nói riêng cũng chỉ là một mắt xích cuối cùng trong một chuỗi các mắt xích về truyền thông và quảng cáo. Nó chưa phải là tất cả về truyền thông. 

Do đó, để phát triển hơn nữa, người thiết kế cần phải có sự khiêm tốn nhất định, cùng với đó là sự trau dồi không ngừng cả về tư duy lẫn kỹ năng. Các bạn cần trang bị kiến thức để hiểu về marketing, về truyền thông tiếp thị, hiểu về quảng cáo. Để từ đó, đưa tất cả các phần chìm như triết lý thương hiệu, nghiên cứu người dùng, nghiên cứu ngành hàng thể hiện trong thiết kế của bao bì, đưa tới tay người mua và thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm của thương hiệu giữa hàng trăm sản phẩm, thương hiệu khác nằm cùng trên một kệ hàng tại siêu thị. 

Bên cạnh đó, bạn cũng dành thời gian trau dồi thêm về thiết kế, nâng cấp tay nghề, hiểu về chiếc “áo” của bao bì, phần cứng, phần mềm, các kỹ thuật về typography, thiết kế, đường hướng art, màu sắc, layout, tư duy mỹ thuật, tư duy hội họa, bố cục, đường nét,…

3. Với vai trò là diễn giả hội thảo ngày hôm nay, anh giải thích như thế nào về vai trò và lợi ích của hội thảo cũng như là cuộc thi đối với ngành bao bì và thiết kế Việt Nam?

Buổi hội thảo là cơ hội để lắng nghe các diễn giả chia sẻ về các kiến thức thực tế về bao bì, mang tới cho các bạn một góc nhìn tổng quan về bao bì, hiểu được bao bì nằm ở đâu trong chuỗi truyền thông. Bên cạnh đó, buổi hội thảo cũng chia sẻ những kiến thức hữu ích, làm rõ ràng vai trò của người làm bao bì.

Về cuộc thi, đây là một sân chơi để các bạn đã, đang hoặc muốn dấn thân trong lĩnh vực bao bì, có thể luyện tập cách làm một bao bì hoàn chỉnh. Từ đó, có được góc nhìn, tìm hướng tiếp cận, sáng tạo ý tưởng, đánh giá tư duy thông qua bài làm thực tế. Nhờ đó, hoàn thiện thiết kế hơn. Đối với anh thì đây là một cuộc thi cực kỳ hữu ích, đòi hỏi sự tư duy, đầu tư và nghiêm túc. Có thể nói, đây là một cơ hội cực kỳ tốt để các bạn được va chạm và trau dồi kỹ năng thiết kế, lập luận, tư duy tiếp thị, ý tưởng, liên kết giữa bao bì với cuộc sống, với môi trường.