Hành trang Be Bold

Nghe Creative Director trải lòng chuyện làm sáng tạo từ thuở “còn thơ” I Bí thuật giữ lửa sáng tạo với nghề

boldcreativelab . 11/09/2023

Chuyên mục “Mỗi tuần một nhân vật” tuần này, chúng ta sẽ cùng gặp gỡ Chị Nga Nguyễn, là Creative Director với 20 năm kinh nghiệm. Cùng xem chị Nga đã có những chia sẻ về hành trình trở thành một Creative Director cũng như những câu chuyện xoay quanh thế giới agency thú vị như thế nào nhé!

Q: Chị hãy giới thiệu về bản thân và hành trình đến với vị trí Creative Director?

Xuất phát điểm của chị là sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ tại khoa MTCN – Đại học Kiến Trúc, bén duyên với ngành quảng cáo 2003 với vị trí Designer tại công ty quảng cáo Lowe. Có kiến thức về thiết kế đồ hoạ là vậy nhưng khi bắt đầu dấn thân vào thế giới quảng cáo, những khái niệm, thuật ngữ ngành như Big idea, concept, campaign, làm phim, key visual, OOH, POSM ra sao… vẫn cực kì lạ lẫm và đầy bỡ ngỡ với lứa sinh viên thời của chị. Thời gian 7 năm ở Lowe là khoảng thời gian chị được trưởng thành nhiều nhất, được học hỏi từ các CD người nước ngoài và sát cánh với các anh chị Art director, Copywriter qua những dự án dưới vai trò là một Designer hỗ trợ những task “cỏn con” rồi đến một Art Director có nhiệm vụ định hướng sáng tạo cho dự án. Hành trình của chị tiếp tục ở Leo Burnett, BBDO và hiện tại là Creative Director tại ADK.

Q: Trong quá trình làm nghề sáng tạo, dự án nào làm chị tâm đắc nhất và quá trình làm ra “đứa con tinh thần” đó có khó khăn gì không ạ?

“Đứa con” nào cũng đáng quý nhưng dự án mà chị và team khó quên nhất có thể kể đến Chiến dịch mùa hè Digital Campaign “Như hải sản cần 7up chanh”, 2018, trước đề bài là làm sao để tạo ra chiến dịch quảng cáo digital, không giống quảng cáo truyền thống, không có TVC trên truyền hình.
Team BBDO đã tạo ra công thức “Khi X cần Y như hải sản cần 7UP chanh” với big idea là “Bộ Đôi” 7UP và Hải sản, làm rõ được nhu cầu mỗi khi người tiêu dùng ăn hải sản thì phải uống 7UP chứ không phải loại nước uống nào khác. Ý tưởng sử dụng hình ảnh ẩn dụ về những bộ đôi phải luôn đi với nhau như Thuyền phải đi với biển, Ví phải đi với tiền, Chày phải đi với cối, Chỉ phải đi với kim, và Hải sản phải đi với 7UP chanh.. tạo thành một series 6s bumper ads, được lên trang branding của Asia vì lượt hit campaign khá là thành công đánh dấu bước chuyển từ traditional advertising sang digital advertising trong ngành FMCG.

Q: Với đặc thù công việc cần phải “sáng tạo lẫn tối tạo” liên tục và xuyên suốt như agency thì chị có bao giờ gặp phải tình trạng bí ý tưởng chưa? Nếu gặp phải tình trạng đó thì chị sẽ xử lý như thế nào?

Nhiều, rất nhiều những lần bị bí idea, hoặc khi gặp phải “bí rợ” thì mình không làm nữa, step out khỏi nó thôi. Sau 6 năm gắn bó với BBDO, chị đã có khoảng thời gian break 2 năm để có thể nghỉ ngơi, nuôi dưỡng lại “bộ máy sáng tạo” của chính mình bằng cách trải nghiệm những việc mình chưa có cơ hội làm trong suốt khoảng thời gian đi làm, chị đi nhiều hơn, quan sát nhiều hơn, thử nhiều cái mới, học những bộ môn yêu thích và đồng thời cũng tham gia giảng dạy tại trường đại học. Khi bản thân, đầu óc mình thoải mái hơn thì mình có thể quan sát và nhạy cảm với mọi thứ xung quanh hơn, đôi khi ý tưởng cũng có thể đến từ một chiếc lá rơi, hoặc đôi khi đọc sách, xem phim cũng làm mình nảy ra idea.
Tuy nhiên, với những bạn trẻ, các bạn sẽ không có luxury time như vậy thì một lời khuyên của chị là các bạn hãy cứ quay lại nơi những ý tưởng được bắt đầu đó là insight của người tiêu dùng, đặt bản thân vào họ để biết trong tình huống đó họ sẽ hành động như thế nào, lựa chọn ra sao, suy nghĩ thế nào. Từ đó, chắc hẳn những giải pháp đáp ứng đúng insight nhất sẽ được “ra đời”.

Q: Như chị chia sẻ, ý tưởng sẽ đến từ việc quan sát rất nhiều thế giới xung quanh bao gồm cả những campaign ra đời trước, vậy quan điểm của chị như thế nào về ranh giới của việc được truyền cảm hứng và đạo nhái ý tưởng?

Sáng tạo có thể được phát triển theo nhiều cách và con đường khác nhau, dù không có một ranh giới cụ thể nào trong thế giới sáng tạo và việc trùng lặp idea hay tham khảo, “bị ảnh hưởng” từ một người khác là điều hết sức bình thường. Nếu người tham khảo không rạch ròi ngay từ đầu, “lấy cảm hứng” nghĩa là bạn biết đến một sản phẩm ấn tượng của người khác rồi từ đó thực hiện một ý tưởng, giải pháp giải quyết đúng “nỗi đau”, insight người tiêu dùng của mình sẽ khác rất nhiều với việc bê “nguyên xi” cái execution của nhà người khác cho cái campaign của mình. Hãy tỉnh táo để phân biệt được ranh giới giữa “lấy cảm hứng” và “đạo nhái”, đừng vịn vào việc lấy cảm hứng mà biện hộ mỗi khi bị phát hiện đạo nhái.

Q: Local agency & Global agency – đâu là hướng đi cho các bạn trẻ vào ngành quảng cáo?

Theo chị, hơn 10 năm trước thì rõ ràng nó có sự khác biệt, rạch ròi nhất định. Khi bạn vào global bắt buộc bạn phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế, phải ở level năng lực nào. Còn bây giờ phần lớn local agency được thành lập bởi các chuyên gia đầu ngành truyền thông quảng cáo tại Việt Nam với vốn kinh nghiệm phong phú, dày dặn sau khoảng thời gian dài chinh chiến trong ngành. Nhờ vậy, những agency này không chỉ kế thừa tư duy global mà còn rất am hiểu văn hóa, tính cách của các doanh nghiệp địa phương. Do đó, chị không đưa ra nhận định đâu là lựa chọn tốt hơn hay đúng hoặc sai vì vốn quan trọng nhất trong agency không phải ở cái tên mà là con người. Khi agency tập hợp được những con người giỏi, hệ thống vận hành tốt giúp cộng hưởng khả năng của các cá nhân thì đó là nơi lý tưởng để bạn phát triển.

Q: Lời khuyên cho những bạn trẻ đam mê và đang nỗ lực với nghề Creative Art-based?

Đầu tiên, các bạn phải thật sự yêu nghề, mình thích nó đến nỗi mà “nếu không làm việc này thì không biết phải làm gì khác” thì các bạn sẽ sống được với nghề. Điều quan trọng thứ hai ở người làm sáng tạo nói chung và Designer nói riêng là các bạn cần có cái sense về art phù hợp từng ngành hàng, brand về công nghệ thì sử dụng màu sắc nào, typo nào, art direction nào sẽ phù hợp với brand. Một brand về mẹ bỉm sữa thì art direction sẽ rất khác art direction của một brand về công nghệ Genz. Thế nên, một năm đầu vào agency, là thời gian học việc, các bạn chỉ ở mức độ support cho các bạn designer khác thôi, nhưng hãy cứ làm dù những việc nhỏ nhất, cứ trao dồi và quan sát, cập nhật, học hỏi thật nhiều những xu hướng, công nghệ để tăng thẩm mỹ của bản thân, nuôi dưỡng cái kho art direction của mình thì đến một lúc “chín mùi” thì các bạn sẽ tiến rất xa với nghề.
Cảm ơn chị Nga đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm và truyền lửa cho các bạn trẻ đam mê với nghề thiết kế.
Zalo
Messenger
Phone
Tin nhắn
Điện thoại
Zalo