Hành trang Be Bold

Chú Khải Lê – Hành trình từ giáo viên thể chất đến Creative Director

boldcreativelab . 11/09/2023

Để trở thành Creative Director – một vị trí nhiều Designer mơ ước ngoài tầm nhìn thẩm mỹ, óc lãnh đạo và khả năng truyền cảm hứng còn phải tôi luyện những gì? Cùng lắng nghe câu chuyện của vị khách mời đặc biệt, là thế hệ F0 có hơn 25 năm kinh nghiệm, là cánh chim đầu trong ngành quảng cáo Việt Nam, từng kinh qua các agency ChuoSenko, Golden, Square Group và là Creative Director của rất nhiều dự án phim Quảng cáo nổi tiếng một thời – Anh Khải Lê.

Q: Là một người trái ngành, hành trình “bén duyên” của anh và “nghiệp” Creative như thế nào?

A: Xuất phát điểm của anh là một giáo viên thể dục thể thao tại đại học Sư phạm. Thời điểm đó, khái niệm về ngành quảng cáo, agency với anh còn rất xa lạ. Tuy nhiên, với năng khiếu vẽ tay, rất may mắn có cơ hội được thực hiện một dự án nhỏ với một công ty quảng cáo tư nhân và chính nhờ ở đây, giây phút anh bước chân vào phòng creative, nhìn thấy một thế giới mới mẻ, lạ lẫm với đầy những computer và những con người say mê với công việc sáng tạo, anh đã bị hấp dẫn, và trực giác khiến anh nghĩ đây chính là cái mình cần khám phá, học hỏi và quyết định bước vào nghề creative với nền tảng mỹ thuật, vai trò là thực tập sinh thiết kế. Tiếp sau đó, là những bước tiến trong sự nghiệp với chiến dịch quảng cáo Coca Cola tại Maccann Edition 1995 – 1996.

Q: Theo anh, những khó khăn khi bắt đầu theo đuổi ngành nghề mới là gì?

A: Là nền tảng tài chính, dĩ nhiên mới chuyển sang ngành nghề mới, một ngành mình chưa biết gì thì phải ngưng công việc cũ và học lại từ đầu. Vì vậy, các bạn muốn chuyển ngành cần có kế hoạch cho bản thân, từ việc học ra sao, thực tập ở đâu, career path cho ngành nghề mới như thế nào, song song với đó là kế hoạch về tài chính chi tiết để có thể cân bằng trong giai đoạn này.

Q: Mất bao lâu để từ một người Designer có thể “đặt chân” lên vị trí Art Director hoặc “tham vọng” hơn là vị trí Creative Director?

A: Mỗi một vị trí sẽ có cần những kiến thức, kỹ năng khác nhau. Nếu bước vào ngành với vai trò là một newbie Designer, junior thì ở giai đoạn này cần phải chú trọng thực hành những kiến thức và kỹ năng thuần tuý. Khi đã có cho mình sự thông thạo về skill thì move lên vị trí Senior Designer hoặc Lead team design là tất yếu. Đến một thời điểm chín mùi, khi kỹ năng và kinh nghiệm vừa đủ, liều lượng của tư duy sáng tạo ngày một nhiều hơn, học cách kể chuyện bằng chữ, tiếp cận với các khái niệm tagline,…tích lũy cho mình những kiến thức về art, về marketing, về brand strategy,… cộng thêm những kỹ năng về lãnh đạo, phân bổ công việc, hỗ trợ team và giám sát việc thực thi những ý tưởng mình đưa ra thì lúc này bạn đã trở thành một Art Director có khả năng định hướng sáng tạo cho team của mình. Tuy nhiên, không phải Senior Designer nào cũng có thể trở thành Art Director và Art Director nào cũng có thể trở thành Creative Director vì lúc này ngoài tư duy, kiến thức, kỹ năng thì thái độ, nhân sinh quan là yếu tố rất quan trọng. Bạn có dám chấp nhận “cái dốt” của mình không? Có sẵn sàng học hỏi, đón nhận cái mới? vì Creative Director là đầu tàu trong sáng tạo, phải biết tiếp cận cái mới, tầm nhìn chiến lược để cung cấp giải pháp đúng đắn và hiệu quả cho khách hàng.

Q: Gần đây, trên mạng xã hội mọi người tranh luận rất nhiều về việc “Designer có cần phải biết vẽ hay không?”, anh nghĩ sao về vấn đề này?

A: Một trong những kỹ năng là điểm cộng của thiết kế đồ hoạ chính là vẽ tay, muốn tiến xa hơn trên con đường Art-Based thì khả năng vẽ tay lại càng quan trọng. Vì khi vẽ tay được thì Designer có thể dễ dàng hình tượng hóa những ý tưởng của mình. Vì thinking, imagine, nó hoàn toàn khác với thực tế, phải sketch để coi cái suy nghĩ, cái tưởng tượng đó có chỗ sơ hở, có chỗ nào cần gia giảm, hiệu chỉnh, sketch để thêm bớt ra sao về idea, nhấn nhá ra sao về bố cục. Từ đó, một người Designer sẽ tạo ra sự khác biệt, cái mà các Designer chưa có kỹ năng vẽ tay sẽ khó làm được. Do đó, Designer vẫn nên học hỏi, nâng cấp kỹ năng sketching để biến nó trở thành một công cụ, một vũ khí sáng tạo đắc lực hơn là bác bỏ hoặc xem nó như một nỗi sợ.

Q: Tố chất và kỹ năng cần thiết của một Creative Director?

A: Mọi người đã nói quá nhiều về một vị trí được xem là đích đến của sự nghiệp Creative, với anh một từ khoá dành cho vai trò của Creative Director chính là SỰ DŨNG CẢM. Dũng cảm để nhận biết sự thiếu sót, hạn chế của team, của bản thân để nâng cấp, tiếp nhận cái mới trong một thế giới quảng cáo mà từng phút từng giây đều đổi mới. Dũng cảm để đưa ra những giải pháp đúng đắn và hiệu quả cho khách hàng trước những lựa chọn thỏa mãn bản thân, đánh bóng tên tuổi. “Art director” hay “Creative director” chỉ là những chức danh, nó chỉ có giá trị khi bạn thực sự có đủ bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng để mang lại những giải pháp giải quyết những vấn đề của khách hàng với chất lượng đúng quy chuẩn chuyên nghiệp của những vai trò chức danh ấy!