Châu Chấn Quyền được biết đến với chiến dịch quảng cáo Điện Máy Xanh, người sản sinh ra người Xanh gây ám ảnh một cách hiệu quả đến người tiêu dùng. Anh là người sáng lập cũng là giám đốc sáng tạo của công ty The Secret A – đơn vị thực hiện chiến dịch ngày nào.
“Trước đây Quyền có 8 năm đầu quân cho các công ty quảng cáo đa quốc gia từ vai trò người thiết kế quảng cáo đến giám đốc sáng tạo (Art Director) / Phó giám đốc sáng tạo (Associate Creative Director). Sau đó mình bước chân vào con đường khởi nghiệp với công ty quảng cáo của riêng mình, với thành công của TVC Điện máy XANH mà mình làm tự do (freelance) – một chiến dịch cho mình thấy được một quy trình sáng tạo tinh giản (ít layer) sẽ tạo nên sự khác biệt và mang lại hiệu quả truyền thông tốt hơn. Nên mình đã quyết định thành lập The Secret A dựa trên quy trình sáng tạo này” – Quyền thổ lộ!
Từ một người thiết kế quảng cáo tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm đến việc mở ra một công ty riêng cho bản thân. Quyền còn tham gia giảng dạy tại Bold Creative Training Lab, anh đảm nhận môn Art Director và Brand Design giúp cho các bạn theo đuổi ngành quảng cáo từ vị trí thiết kế (art based).
Thiết kế quảng cáo cần được đào tạo một cách ‘chuyên biệt’
Quyền chia sẻ khi còn là người mới làm thiết kế đồ họa và tham gia ngành quảng cáo cũng gặp không ít bỡ ngỡ. “Khi mới ‘nhúng mình’ vào lĩnh vực quảng cáo, mình vẫn còn gặp trở ngại trong ngành nghề đặc thù này dù trước đó mình được đào tạo thiết kế đồ họa bài bản, câu hỏi luôn đặt ra: ‘Làm sao thiết kế để bán được hàng?’, nên các ý tưởng thường bị sếp không chọn, khó bán được cho khách hàng.
Lúc đó, mình cũng mong muốn tìm cho bản thân ‘gu’ riêng hay một ngôn ngữ thiết kế rất là ‘mình’ để chứng tỏ bản thân. Vì những điều như thế mình có phần hơi chới với và dần hiểu rằng cũng là ‘chất’ thế nhưng thiết kế phải thể hiện ‘chất’ của thương hiệu”
Anh nói thêm: “Thêm nữa, cái khó nhất khi mới bước chân vào agency là phải tập bỏ ‘cái tôi’ trong thiết kế rồi phải cảm nhận và chấp nhận cái ‘tôi’ của nhóm đối tượng khách hàng mình muốn tiếp cận. Mà đôi khi còn phải hóa thân thành nhiều cái ‘tôi’ nữa, vì có rất nhiều ngành hàng như bán thực phẩm chức năng cho các cô chú lớn tuổi, hay bán sữa tươi cho mấy bé cấp 1, rồi có khi phải bán cả băng vệ sinh cho mấy em gái mới lớn”.
Khi được hỏi về thiết kế đồ họa và thiết kế quảng cáo, anh cho rằng: “Về cơ bản cả hai đều là thiết kế và giống nhau về những nguyên tắc về mỹ thuật trong thiết kế, cách bày trí bố cục, sử dụng phông chữ hay màu sắc, hình ảnh…
Có lẽ điểm mấu chốt để phân biệt là thiết kế đồ họa thiên một chút về cái ‘đẹp’, còn thiết kế quảng cáo thì ngoài ‘đẹp’ còn phải giúp thương hiệu ‘bán được’.‘Đẹp’ thôi chưa chắc đã giúp bán được hàng, nên ngoài việc thiết kế ra một mẫu bố cục đẹp thì bên quảng cáo còn phải cân nhắc các yếu tố về thị trường, đối thủ cạnh tranh, thấu hiểu về người tiêu dùng, lợi thế cốt lõi của thương hiệu.. để đưa ra giải pháp thiết kế ‘bán được’ hàng cho nhóm người tiêu dùng mục tiêu.” – Anh Quyền chia sẻ thêm.
“Mấu chốt cho thiết kế quảng cáo là bạn thật sự hiểu thương hiệu và người tiêu dùng của họ..”
Để hiểu rõ ngành quảng cáo Quyền nghĩ một trong những yếu tố quan trọng đó là hóa thân thành đối tượng, ‘thật sự hiểu họ, nghĩ như họ, hành động như họ thì mới tạo ra được một sản phẩm chạm đến suy nghĩ và cảm xúc họ, từ đó thúc đẩy hành vi tiêu dùng.
Việc này đòi hỏi mình cần có một vốn sống rộng, biết cách quan sát và thẩm thấu những luồng suy nghĩ khác nhau của những nhóm người khác nhau trong xã hội. Sẽ cực kỳ hữu ích trong quá trình đi tìm ý tưởng, tìm giải pháp cho một vấn đề truyền thông của thương hiệu nhắm đến một đối tượng nhất định mà có thể là những cậu bé cô bé nhỏ hơn bạn 20 tuổi, hay những cô chú trung niên sinh ra trước mình vài thập niên” – Anh nói thêm
Với một trong số kinh nghiệm vốn có, Quyền bộc bạch về việc làm sao để thiết kế đúng khi thiết kế trong quảng cáo: “Mình nghĩ điều các bạn cần thay đổi đầu tiên là phải nghĩ thoát ra khỏi từ ‘thiết kế’ theo nghĩa mà mọi người hay dùng là thiết kế đồ họa, là sắp xếp hình ảnh câu chữ, chỉnh sửa màu sắc.. Thật ra, theo mình từ ‘thiết kế’ không chỉ dùng trong đồ họa mà nó còn được dùng rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nó mang ý nghĩa ‘tìm giải pháp’ cho một vấn đề. ‘Tư duy thiết kế’ cũng được hiểu như là một kỹ năng tư duy hướng đến việc tìm ra một giải pháp trong phạm vi năng lực của mình/tổ chức để giải quyết một vấn đề…”
Bên cạnh đó, anh bày tỏ nên ‘bồi dưỡng’ cho bản thân một chút kiến thức tiếp thị (marketing), “nhưng không cần phải quá chuyên môn vì đã có một bạn làm brand. Yếu tố quan trọng sẽ quyết định ý tưởng của bạn có được chọn hay không nằm ở sự ‘gần gũi’ của bạn với nhóm đối tượng khách hàng mà thương hiệu đó nhắm đến và khả năng tư duy để tìm ra vấn đề của nhóm người này, giải quyết đắn đo đó của họ, để họ có thể thoải mái lựa chọn thương hiệu của bạn”
“Mình hay cùng các bạn học viên học tập lẫn nhau và bàn luận về ngành quảng cáo tại lớp học ở BOLD”
Quyền đã gắn bó nghề hơn 12 năm, có những cảm giác rất ngán: ngán deadline, feedback hay phải thảo luận với rất nhiều từ nhóm (team) đến khách hàng. “Điều làm mình hạnh phúc nhất có lẽ là ‘đứa con tinh thần’ của mình, nó mang theo những tâm tư tình cảm của mình để tỏa sáng trước công chúng thì tự nhiên tất cả cảm giác mệt mỏi, căng thẳng trong lúc chạy dự án đều lùi bước về hậu trường nhường chỗ cho một cảm giác sung sướng tự hào, cũng như một người nghệ sĩ trình làng tác phẩm của mình vậy”
Niềm đam mê với quảng cáo là vậy! Quyền hiện tại tham gia vào quá trình giảng dạy ở Bold Creative Training Lab – một công việc ở sau quảng cáo. Nhờ vậy mà anh có những ‘kiến thực thực chiến’ khá vững để có thể chia sẻ cũng như giúp các bạn học viên trong ngành quảng cáo. “Mình hiện đang dạy lớp Art Director và lớp Brand Design, những lớp học của mình chú trọng về mặt chiến lược và sự am hiểu khách hàng mục tiêu để đưa ra giải pháp truyền thông cho thương hiệu.”
Là vai trò một người giảng dạy, anh cũng luôn luôn học hỏi những sự sáng tạo mà ở học viên có được.. Ở BOLD, Quyền nhận mình là người hướng dẫn giúp các bạn học viên có nguồn tài liệu tốt, sự hướng dẫn từ những kinh nghiệm: “Có thể do những thông tin về brief, quá trình giải quyết brief, quá trình tìm ý tưởng thường ít khi có tài liệu ở trên mạng và còn những đắn đo trăn trở sáng tạo trong quá trình làm ý tưởng thì lại thường khó để hệ thống thành một bài viết vì nó không có một công thức rõ ràng nào. Nên mình mong muốn chia sẻ, bàn luận các bạn học viên thông qua các buổi học tại BOLD”