Hành trang Be Bold

Phúc Nguyễn – Q&A: ‘Học thiết kế Quảng cáo để vô ngành thiết kế Quảng cáo, tại sao không dám thử?’

boldcreativelab . 29/09/2022

Nguyễn Hoàng Phúc (Tintin) với 15 năm kinh nghiệm thiết kế quảng cáo trong những công ty lớn như StormEye, FCB, DDB, RiverOrchid, 5 năm ở vị trí Senior Art Director (giám đốc nghệ thuật có 4 – 5 năm kinh nghiệm) tại Hakuhodo Vietnam, 2 năm ở vị trí Associate Creative Director (phó giám đốc sáng tạo) tại ISOBAR VietNam, Phó giám đốc sáng tạo tại ID Communication Group. Hiện đang là Creative Director (giám đốc sáng tạo) của Hakuhodo. Bên cạnh đó, anh đang song song giảng dạy môn thiết kế quảng cáo tại Bold Creative Training Lab. Với những kinh nghiệm vốn có, hãy cùng anh Phúc Nguyễn chia sẻ với quý độc giả về những câu chuyện ngành quảng cáo nhé!

Mất bao lâu để anh khi mới ra trường để quen với công việc quảng cáo. Anh Phúc có thể chia sẻ về trải nghiệm này không?

Tốt nghiệp năm 2003 chuyên ngành đồ hoạ, mình đã trải qua 3 năm làm việc ở một công ty thiết kế và in ấn tư nhân. Sau đó mình may mắn được trở thành nhân viên thiết kế cho công ty quảng cáo StormEye – một trong những công ty quảng cáo sáng tạo hàng đầu lúc bấy giờ. Từ đó ‘bén duyên’ sang công việc thiết kế cho các ấn phẩm quảng cáo, hiểu được vai trò cũng như những công việc cụ thể của một agency (công ty quảng cáo) trong chiến dịch quảng cáo là thế nào. Rất nhiều kiến thức mới cũng như những thú vị của ngành mở ra… Mình cũng lăn lộn nhiều năm trong ngành này với đủ: vui, buồn, thử thách và có lúc rất đỗi áp lực.

Anh Phúc từng là người học thiết kế đồ họa và ‘lấn sân’ sang sự nghiệp quảng cáo. Vậy anh có nhận xét gì về thiết kế đồ họa và quảng cáo không?

Thiết kế đồ hoạ và thiết kế trong quảng cáo – đòi hỏi người thiết kế phải hội đủ các kiến thức về màu sắc, bố cục, ánh sáng, hình khối, không gian cũng như các kỹ năng thuần thạo trên các phần mềm đồ họa chuyên dụng để tạo ra những tác phẩm mãn nhãn. 

Mình nghĩ thiết kế đồ họa mang đậm bản sắc cá nhân thông qua các vật phẩm, còn thiết kế quảng cáo đòi hỏi người thiết kế phải hiểu biết thêm một  số quy tắc lẫn kiến thức về marketing, communication (truyền thông), chiến lược truyền thông mà planner (người đưa ra kế hoạch hoàn thành dự án) muốn sáng tạo cái gì, từ đó áp dụng vào tác phẩm quảng cáo nhằm tiếp cận người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy bán hàng, sử dụng dịch vụ.

Mình nhận thấy các bạn trẻ hiện nay đôi khi vẫn đang khó khăn trong việc thể hiện phong cách sáng tạo, thiết kế cá nhân nhưng vẫn phải đáp ứng được nhu cầu thị trường, của khách hàng. Phong cách cá nhân đang dần bị nhạt nhòa do bởi những thiết kế thời vụ và nhanh như vũ bão của thời đại kỹ thuật số.

Hiện tại anh là Creative Director (Giám đốc sáng tạo), anh có thể về những quá trình ở vị trí này được không?

Mình nghĩ Creative Director không chỉ là ngồi nghĩ những ý tưởng bay bổng, mà vai trò Creative Director là tổng chỉ huy, phải đồng hành cùng các thành viên trong team (đồng đội, đội nhóm) thiết kế hình ảnh, nội dung, vâng vâng… và ‘ăn rơ’ cùng các bộ phận khác trong công ty quảng cáo để đưa ra đường hướng sáng tạo sát sườn với yêu cầu từ phía nhãn hàng. Từ đó, triển khai và theo dõi sát sao hiệu quả của một chiến dịch quảng cáo.

Mình đã mất hơn 15 năm và bắt đầu cho các vị trí từ Designer (người làm thiết kế) > Junior Art (người thiết kế nghệ thuật với 1-2 năm kinh nghiệm) > Art >Senior Art > Association Creative Director > Creative Director.

Anh nghĩ các bạn trẻ cần chuẩn bị hành trang gì để bước chân vô ngành quảng cáo?

Mình nghĩ các bạn tham gia ngành quảng cáo nói chung cần chuẩn bị kiến thức Marketing (tiếp thị) một cách tổng quát. Đối với người làm về thiết kế đồ họa, ngoài chuẩn bị tư duy thiết kế chuyên môn về quảng cáo, hoặc bạn có thể học chuyên môn thiết kế quảng cáo để bước chân vào ngành quảng cáo, thay vì học thiết kế đồ hoạ, sẽ mất thêm thời gian như mình những năm về trước. Bên cạnh đó thì nên học thêm về nội dung, câu từ, chữ nghĩa… Đồng đời đối với copywriter (người sáng tạo nội dung) thì cũng học thêm về tư duy mỹ thuật, tư duy tưởng tượng. Tất cả sẽ cộng hưởng với nhau tạo ra ‘bản nhạc quảng cáo’ hoàn hảo. Cuối cùng, cũng không quên chuẩn bị cho bản thân một trình độ tiếng Anh thành thạo – sớm nhất có thể.

Càng ngày có nhiều trung tâm giảng dạy thiết kế đồ họa ở Việt Nam nhưng sau khi học xong lại đi làm về thiết kế Quảng Cáo. Có một số bất cập nhất định như chưa đào sâu về ngành hay dạy thiên về công cụ chẳng hạn. Anh có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này và làm sao để chuẩn bị đủ hành trang tham gia vào ngành Quảng cáo?

Mình nghĩ ở mỗi nơi sẽ có cách đào tạo riêng: hay có, chưa hay cũng có. Nhưng đối với mình nếu bạn được học tổng quan thiết kế đồ họa mà tham gia ngành Quảng cáo thì nó sẽ ‘đúng một phần và chưa đủ’ vì một lý do cơ bản mình có thể nói là bạn chưa biết cách ‘thai nghén’ một ý tưởng như thế nào. Nên đi học bài bản, lựa chọn những nơi đào tạo có chuyên môn chuyên biệt về ngành Quảng cáo để tham gia học. Bạn sẽ được tiếp xúc ngành và hiểu rõ cách xây dựng concept, triển khai xuống ‘big idea’ và các asset (công cụ) đi kèm theo để khi nhận bất cứ một brief (yêu cầu) nào, một người thiết kế đều có thể biết cách khai phóng suy nghĩ để trả lời brief một cách đúng đắn nhưng vẫn thoải mái sáng tạo theo gu riêng của mình. 

Ngoài ra, mình còn thấy bất cập về vấn đề dạy thiết kế đồ họa nhưng chỉ tập trung vào công cụ và kỹ năng mang tính khuôn mẫu cũng đáng để suy nghĩ. Điều này, Phúc cảm nhận chưa cung cấp đủ cho học viên bức tranh toàn cảnh công việc của một người thiết kế quảng cáo trong thời buổi kỹ thuật số hiện nay. Cần phải hiểu cách để triển khai một đề bài từ khách hàng bắt đầu và kết thúc ra sao. Nói nôm na như kiểu mình cung cấp cho học viên nguyên vật liệu, dạy cách nấu nhưng không hiểu vì sao phải nấu món ăn đó, và đối tượng thực khách thực sự cần ăn món gì, gu ăn kiểu gì, bàn tiệc cần trang trí ra sao, thứ tự lên món thế nào…

Mình vẫn gợi ý các bạn rằng hãy học thiết kế Quảng cáo để đi làm Quảng cáo. Tất nhiên, việc học thiết kế quảng cáo bài bản, có quy trình giáo án ngay từ đầu vẫn đáp ứng được những nhu cầu thiết kế đồ họa như bố cục, thẫm mỹ, mỹ thuật, nghệ thuật chữ và kỹ năng công cụ trong thời đại thương mại – quảng cáo như ngày nay!

Em có biết ngoài việc làm Creative Director (Giám đốc sáng tạo) tại công ty Quảng cáo thì anh cũng đang truyền lửa cho các bạn lớp Art Director (Khóa học để trở thành Giám đốc nghệ thuật) tại Bold Creative Training Lab. Anh có thể nói thêm về lớp học cho các bạn đam mê thiết kế biết đến không? Lớp có những gì đặc biệt để các bạn đến học?

Như đã nói trên, với mình thì kỹ năng thiết kế thành thạo trên các phần mềm đồ hoạ là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Muốn sống lâu với ngành nghề này, đam mê công việc này lâu dài, mình phải hiểu rõ ngành này, phải biết mình đóng vai trò thế nào để giúp khách hàng bán được sản phẩm nhưng vẫn giữ được phong cách thiết kế riêng chứ không phải rơi vào tình trạng bị khách hàng ‘cầm tay chỉ việc’. Đi học sẽ giúp mình có tư duy lập luận logic khi suy nghĩ ‘ideas’, khi trình bày ý tứ với khách hàng, cũng như hiểu rõ bản chất tốt đẹp của công việc đang làm, từ đó yêu nghề hơn và tìm cách ‘sống sót và tồn tại’ với nghề hơi nhiều ‘stress’ này.

Lớp học Art Director tại Bold Creative Training Lab có những câu chuyện ‘chuyên biệt’ và khá thú vị về ngành được giảng dạy bởi các giảng viên trong đó có mình. Với những mong muốn đặc biệt, truyền cảm hứng cho các bạn môi trường Quảng cáo thông qua khóa học thì còn ti tỉ thứ kiến thức liên quan khác. Đảm bảo cho bạn không chỉ ‘đủ mà còn dư’ khi đi làm thiết kế quảng cáo..

Zalo
Tin nhắn
Điện thoại
Tin nhắn
Điện thoại
Zalo